Truyền thuyết về cây nhân trần

nhân trần khô
Danh y Hoa Đà từng bó tay trước một ca bệnh nặng. Một năm sau gặp lại, ông thấy cô gái này rất khỏe mạnh, tươi tắn. Hỏi ra, khi đào rau núi ăn cho qua đợt đói kém, cô đã tình cờ ăn một loài cây, đó là nhân trần.

Chuyện xưa kể rằng: Vào mùa xuân năm ấy, có một nữ bệnh nhân tìm gặp danh y Hoa Đà để chữa bệnh. Nhìn thân hình gầy như que củi, sắc mặt vàng vọt, niêm mạc hai mắt mang màu mơ chín, Hoa Đà tiên sinh biết rằng cô gái này bị chứng “hoàng lao bệnh” hay “hoàng đản bệnh”, căn bệnh mà ngày nay y học hiện đại gọi là viêm gan vàng da. Thời đó, chứng bệnh này chưa có cách chữa nên Hoa Đà đành nói: “Căn bệnh này tôi không chữa được, cô hãy về đi!”. Cô gái nghe vị danh y nói vậy đành ngậm ngùi trở về nhà và cũng không nghĩ chuyện đi tìm thầy khác chữa bệnh nữa.

Một năm trôi qua, tình cờ gặp lại, nhìn thấy cô gái thân hình béo tốt, sắc mặt hồng hào, dáng đi nhanh nhẹn, Hoa Đà rất đỗi ngạc nhiên, hỏi: “Cô đã tìm được ai để chữa bệnh vậy?”. Cô gái lắc đầu: “Không ạ, cháu không uống thuốc của ông lang nào cả”. Hoa Đà lại hỏi: “Vậy có tự dùng thuốc gì không?”. Cô gái đáp: “Không, cháu cũng không dùng thuốc gì cả”.

nhân trần

Hoa Đà tiên sinh trong lòng đầy nghi ngờ, tự hỏi: Bệnh nặng mà không dùng thuốc thì làm sao có thể khỏi được? Vì vậy, ông lại gặng hỏi: “Cô thử nghĩ kỹ xem, hằng ngày ngoài việc dùng cơm có còn ăn thứ gì khác nữa không?”. Cô gái đáp: “Không ạ. Mấy năm nay đói kém, cơm gạo chẳng đủ, cháu phải lên núi hái rau dại để ăn”. Nghe vậy, Hoa Đà vội nhờ cô gái dẫn đi xem loại rau đó. Thì ra đó chính là hoàng cao đầu, một vị thuốc khá quen thuộc.

Từ đó trở đi, Hoa Đà chú tâm nghiên cứu khả năng chữa trị của hoàng cao đối với chứng bệnh viêm gan vàng da. Nghe theo lời khuyên của ông, hầu hết bệnh nhân đều khỏi chỉ bằng việc dùng hoàng cao làm rau ăn trong một tháng. Tuy nhiên, một lần, một bệnh nhân mặc dù đã làm đúng theo lời Hoa Đà dặn, ăn rau thuốc mấy tháng liền mà bệnh vẫn không khỏi. Hoa Đà tìm gặp và hỏi: “Ngoài việc dùng hoàng cao ra anh có ăn thứ gì khác không?”. Người bệnh nói: “Không ạ, cháu chỉ uống nước trắng thôi”. Hoa Đà lại hỏi: “Vậy anh ăn hoàng cao vào thời gian nào?”. Người bệnh đáp: “Vào khoảng trước sau tiết Thanh minh”.

Sau nhiều ngày suy ngẫm, vị danh y chợt nhận ra rằng: Mùa xuân là giai đoạn dương khí thượng thăng, cây cối đâm chồi, trăm hoa đua nở, sức thuốc tập trung ở thân và cành nên chữa bệnh có hiệu quả cao, từ đầu hạ trở đi cây cối ra lá và mọc cành mới, dược lực phân tán nên trị liệu ít kiến hiệu. Năm sau, trước tiết Thanh minh, ông tự mình lên núi lấy hoàng cao về cho người bệnh này ăn, quả nhiên chỉ sau một tháng, bệnh tình thuyên giảm rõ rệt, dùng thêm một tháng nữa bệnh cơ bản khỏi.

Hoa Đà mừng khôn xiết và từ đó, cứ vào 3 tháng đầu năm, ông thường lên núi thu hái hoàng cao về tích trữ dùng dần. Sau này, để tránh nhầm lẫn, ông đặt cho cây thuốc này một cái tên mới gọi là “nhân trần”.

Cách dùng trà nhân trần

Nhân trần 30 g thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, pha thêm một chút đường phèn uống thay trà trong ngày, dùng phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra, điều trị viêm gan cấp và mạn tính.

nhân trần khô

Nhân trần 300 g, sinh địa hoàng 60 g, trà 30 g. Ba vị tán vụn, mỗi ngày lấy 30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10-15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng để chữa viêm gan vàng da cấp tính.

Bạch hoa xà thiệt thảo 500 g, nhân trần 150 g, sinh cam thảo 50 g. Tất cả thái vụn, mỗi ngày lấy 60 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng chữa viêm gan vàng da cấp tính có sốt.

Mạch nha 500 g, nhân trần 500 g, quất bì 250 g. Tất cả sấy khô tán vụn, mỗi ngày dùng 60 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng trị viêm gan giai đoạn di chứng có rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đầy bụng chậm tiêu.

Râu ngô 300 g, nhân trần 150 g, bồ công anh 150 g. Tất cả tán vụn, mỗi ngày dùng 50 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng để phòng chống viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật…

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *